Trang chủ

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Nghề biển (tt)


Bắt cặp
     Cặp là tên một loài cua biển- Cua cặp. Tôi chắc bạn sẽ cười mà rằng “ Cua nào mà chẳng cặp!”. Đúng! Nhưng với những người dân làng chài  bạn không thể nói lí thế được và vì thế Cặp vẫn là Cặp!

      Với chừng 30 đến 50.000VND bạn sẽ có một kí cặp tươi ngon ở bất kì cái chợ nào tại Hải Thanh. Cặp không béo như ghẹ nhưng thịt chắc và đậm hơn. Cái thú của ăn cặp cũng giống như cái thú của người nhắm rượu thịt gà, ngon không phải ở mềm ngậy lườn thăn mà ở mấp mô đầu cánh, lắt léo khuỷ xương. Kẻ thô vụng chỉ nhăm nhắm đôi càng đầy thịt, người tinh sẽ tỉ mẩn róc lấy từng rảnh thịt mềm dai chạy giữa thớ sụn chằng chịt để thưởng thức cho bằng hết từng gram đạm thơm ngon chứa trong loài hải sản đã luyện mình nơi đáy nước.
        Bắt cặp là một nghề gian khổ nhưng hành nghề chủ yếu lại là trẻ em. Sáng hôm ấy, bên ghềnh đá tôi đã bắt gặp chúng, những đứa trẻ cỡ tuổi từ 7 đến 16 đang hì hụp thu lượm thứ hải sản này. Cặp luôn sống lẩn trong những hốc đá nơi núi non kết giao với biển cả trong cuộc hoan ca bất tận của gió, sóng và đá cho nên muốn bắt cặp lũ trẻ phải đi bộ từ sáng sớm để đến kịp chân núi trước khi con nước lên. Dụng cụ hành nghề này cũng rất thô sơ, chỉ có một cái kính lặn Made in Hải Thanh và một cái túi lưới đựng cặp. Lũ trẻ lội ra xa rồi nhất loạt lặn sâu dưới nước, chân chổng lên trời, và trước khi những đôi chân ấy cũng chìm sâu vào nước tôi kịp nhận ra tất cả những đôi tất bảo hộ đeo trên đó đều rách tướp vì đáy biển ở chỗ này lởm chởm vỏ hầu sắc lẻm. Lâu lâu,  lại thấy một đứa nhô lên mặt nước nhổ nước trong miệng phù phù rồi lại lặn xuống. Thỉnh thoảng có đứa nhô lên với một con cặp trong tay khéo léo bỏ vào cái túi vẫn nổi bập bềnh trên mặt nước nhờ miếng xốp buộc kèm.
      Ngồi trên gộp đá, tôi lo lắng dõi mắt theo những đứa trẻ. Nơi đây, gió biển bị chặn lại bởi vách núi, cuộn lại khêu sóng lên cao trả thù vách đá, vách đá trơ lì thách thức gió để mặc những con sóng kẹt trong giận dữ đổ thừa lên đầu những đứa trẻ bắt cặp. “ Các con đi bắt cặp thế này có nguy hiểm không?”, tôi tranh thủ hỏi một cậu bé chừng 12 tuổi khi em lên bờ nghỉ sau một giờ lặn ngụp. Cậu nhìn tôi với cái vẻ của một tay lái bò có nghề nhìn một người nông dân ngu dốt “ Có gì đâu mà nguy hiểm!”, “ Nhưng cô thấy sóng to và nước sâu thế kia cơ mà!” , “ Chẳng ai bị chết cả!”, cậu trả lời nhát gừng rồi nhào trở lại với những con sóng. Sau này tôi được biết sở dĩ các em thường đi chung là để đề phòng khi có những việc bất thường xảy ra: một con sóng dữ, một cơn chuột rút, một xoáy nước sâu ....Tôi bỗng nhớ trong tác phẩm nào đó của Nguyễn Tuân ông có nhắc đến chi tiết mỗi bọt nước trên mặt bể chính là một bọt máu của người tìm trai ngọc đã bỏ mạng nơi rốn bể. Giản dị và bi tráng làm sao cuộc sống của những con người hằng ngày đem sức vóc thịt da mỏng manh của mình ra  để vật lộn với thiên nhiên kì vĩ mà giành giật lấy miếng cơm, manh áo! Lại nhớ trong Bài giảng trên núi Chúa có phán “ Đừng vì sự sống của mình mà lo đồ ăn uống, cũng đừng vì thân thể của mình mà lo đồ mặc. Sự sống chẳng đáng quý trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quý trọng hơn quần áo sao ?” ( Matthêu 6). Lạy Chúa, quả đúng là Sự sống quý hơn thức ăn, đồ mặc nhưng thức ăn , đồ mặc cũng làm nên một phần của Sự sống và cái công cuộc kiếm tìm thức ăn đồ mặc của các con Ngài sao gian nan làm vậy?!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét