Trang chủ

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Nghề biển (tt)


Đãi ốc cườm!
         Tôi vẫn tự hào mình có khứu giác khá bén nhạy đặc biệt trước các loài cỏ hoa. Chỉ cần một làn gió đưa hương thoảng qua rất nhẹ, tôi có thể phân biệt được chính xác hương của hoa xà cừ mộc mạc, của cau ngan ngát, của cỏ tươi mới cắt ngai ngái hay cỏ mật se nắng ngầy ngậy
...Ấy thế nhưng ấn tượng thị giác của tôi lại rất hay phản chủ. Ngoài những sắc màu căn bản xanh, đỏ, tím , vàng.. còn thì tôi ít khi gọi tên đúng những gam màu pha trộn. Còn nhớ, có một lần hai mẹ con đang trên đường về nhà tôi bảo cậu con trai “ Mẹ rất thích ngôi nhà có màu sơn hồng thế kia!”, cậu con bình thản phản biện“ Đó là màu tím mẹ ạ”. Một lần khác, khi nghe tôi nói “ Mẹ thích cái logo màu vàng trên áo của con”, cậu lại phản đối “ Đó là màu cam, không phải màu vàng mẹ ạ!”, “ Nhưng cam cũng là màu vàng mà con!?”.  “ Không! Cam là cam mà vàng là vàng chứ mẹ, nếu không thì người ta cần gì phải đặt thêm tên cho màu ấy!”. Thế là tôi đuối lí! Tôi rất thán phục con mình khi thấy cu cậu có thể phân biệt một cách rõ ràng giữa màu xanh cơ bản với màu nước biển, màu ngọc lam, ngọc bích... “Sao con tài thế!”, “ Ở trường con được học, mẹ ạ!”. “Thảo nào!”. Thì ra không phải tôi dốt mà là do tôi không được học, thế hệ chúng tôi ngày xưa đến trường chỉ được học đọc, học viết và học làm toán, chẳng được học mỹ thuật, âm nhạc như các con bây giờ. Nhưng có lẽ vì thế chăng mà chúng tôi luôn nhìn nhận và lắng nghe thế giới bằng đôi mắt và đôi tai rộng mở của những háo hức kiếm tìm, khám phá. Và trên bãi biển Hải Thanh hôm ấy, những con ốc cườm nhỏ bé đã một lần nữa dạy cho tôi một bài học trông nhìn, thưởng thức và lên tiếng mời gọi tôi về với tuổi thơ lấp lánh trắng, xanh, hồng, đỏ, tím , vàng.  
      Ốc cườm đúng như tên gọi của nó là một thứ cườm mà biển khơi dát lên bờ cát. Với sắc màu tự nhiên phong phú ốc cườm là nguyên liệu rất thích hợp với các món đồ mỹ nghệ, trang sức phổ thông vừa với túi tiền của những khách du lịch hạng hàng mà lắm con nhiều cháu. Nhưng đó là ở những bãi biển du lịch, còn ở làng chài Hải Thanh, ốc cườm chỉ để ăn- ăn chơi, tức là ăn cho vui không phải để no để béo. Trên những con đường chạy ngoằn ngoèo trong xóm, thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp những người phụ nữ đang ghìm tay cương trên chiếc xe đạp “ Ba không”(không phanh, không chuông, không gác- đờ- bu ) nhảy chồm chồm trên những ổ gà ổ voi, miệng vẫn réo rắt “ Ai ốc đê...”. Ngay khi bạn gọi, chị sẽ khéo léo dùng một chân quài lên đằng trước, tì siết mạnh vào bánh xe để dừng con Tuấn mã đặc biệt này lại, thoăn thoắt lật mê, đong ốc cho bạn. Và chỉ với 2000VND bạn đã có thể có một bát ốc cườm để vừa khêu vừa ngắm suốt buổi chiều. Ốc cườm cũng là một “món ăn mang tính giáo dục”- tôi có thể quyết chắc với bạn là sau khi bạn ăn ốc cườm độ vài ba lần, bạn đã có tự tin đem cất chữ Nhẫn mà bạn vẫn treo trong nhà như một lời nhắc nhở bản thân đi được rồi vì đây là một món ăn rèn luyện đức kiên nhẫn tốt hơn bất cứ lời dạy nào. Ốc cườm nhỏ, toàn bộ phần thịt trong vỏ ốc chỉ to bằng cỡ đầu cái tăm tre, lại hay bị thụt vào trong hoặc đứt khi khêu cho nên bạn sẽ phải rất kiên trì nếu muốn thưởng thức hương vị của món ăn. Ở những lần khêu đầu tiên tôi thường rơi vào tình trạng Chư Bát Giới ăn nhân sâm nghĩa là chẳng thấy có vị gì vì thịt nó bé quá.   Để tôi biết vị của ốc cườm chị bạn tôi đã phải ngồi khêu ruột ốc thành một xâu, kín cả chiều dài chiếc ghim băng đưa cho tôi ăn thử. Thịt ốc cườm được tẩm trong hương lá sả đằm thơm mùi vị của núi non và biển cả. Khá hấp dẫn!
        Đãi ốc cườm rất dễ. Chỉ với một cái rá đi ra bãi biển bạn đã có thể trở thành người đãi ốc thực thụ. Cái khó của việc đãi ốc chỉ là bạn chọn được chỗ ốc tập trung thực nhiều để đãi sao cho nhanh. Đó là chỗ mặt cát lỗ rỗ, lượp tượp những đường vân. Vục mạnh , bạn sẽ có một rá đầy , chao chiếc rá vài lần vào nước để cát và những con ốc quá nhỏ lọt ra ngoài bạn sẽ còn lại lưng rá ốc. Này trắng, này xanh, này tím, này hồng... những hạt cườm sống phơi mình trong nắng sớm thôi thúc bạn nâng máy ảnh lên và “Nào chúng ta cùng chụp!”

                              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét