Trang chủ

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Mai Châu, tuổi thơ tôi!

                          (Thân yêu tặng cậu!)

Đã ngót nghét 30 năm không trở lại Mai Châu thế mà trong những giấc mơ tôi, miền đất ấy vẫn trở lại như một ám ảnh không màu.


n



Mối duyên với Mai Châu của tôi bắt đầu từ một phong trào kinh tế xã hội rất rầm rộ trong những năm 60 của thế kỷ trước mà bản thân cái tên của phong trào đã khơi dậy biết bao niềm tin của con người một thời về một đổi thay tươi sáng: phong trào xây dựng kinh tế mới trên miền Tây Bắc . Ngày ấy, Mai Châu là sân ga hạnh phúc của cha mẹ tôi trên hành trình thoát ly những lũy tre làng tù túng, đặc quánh vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ để gieo mầm tương lai trên những địa danh mới.
Những tưởng mảnh đất ấy sẽ chỉ là một ga xép nhỏ thế mà nó trở thành bến đỗ của cha mẹ suốt 20 năm thời nhiệt huyết. Bản tính cần cù của những con người vốn sinh ra từ đất đã nhanh chóng biến những người miền xuôi thành những sơn dân thực sự. Ngoài thời gian làm việc ở cơ quan cha mẹ cũng đi rừng chặt nứa , đào sa nhân, hái măng...nhưbất cứ người dân rẻo cao nào khác. Cái hào phóng của thiên nhiên núi rừng và một tình yêu vượt qua bao ngăn trở cuối cùng đã kết dính cha mẹ với mảnh đất này . Chị em tôi đã lần lượt sinh ra trong những tháng năm nghèo nàn và thi vị ấy.

Mai Châu trong trí nhớ của tôi khi nào cũng là một vùng đất trù phú và thơ mộng, nơi tuổi thơ tôi được phong kín trong bốn bề rừng núi, khói sương. Nằm lọt giữa một vùng núi non trùng điệp, Mai Châu là một thung lũng nhỏ mà đứng từ dốc Thung Khe nhìn xuống toàn cảnh thị trấn trông giống như lòng bàn tay của một người có số phận đa mang, phức tạp. Những con đường chạy ngoằn ngoèo giữa các khu nhà rồi biến mất hút đâu đó giữa um tùm cây lá sau đó lại bất ngờ hiện ra đâu đó ở đằng xa kia với bao nhiêu ngả rẽ về các xóm nhỏ. Những hồ nước ngăn ngắt xanh chạy rích rắc bên những con đường như những quảtrứng sâu bám vào cuống lá. Nhà tôi ở gần một cái hồ như thế: HồVãng. Cái hồ nhỏ, nước quanh năm đầy ăm ắp, và dù mùa mưa hay mùa nắng vẫn trong veo. Bờ hồ được thiên nhiên tạo hình bằng những triềnđá tự nhiên nhiều màu vẻ, hình dáng, chị em tôi vẫn hay bắt những chú cá nhỏ bỏ vào hốc đá bí mật ở đó để tò mò theo dõi xem chúng lớn lên như thế nào. Nhà có giếng nước nhưng ham vui các chị tôi vẫn chiều chiều ra hồ tắm giặt để được hòa mình vào bầu không khí lúc nào cũng rộn rã nơi đây.Những đứa trẻ nô đùa, thách đố nhau nhảy tùm xuống từ một mỏm đá cao , rồi nhe răng cười khi nghe cô bác nào đó bật ra tiếng rủa vì bị nước bắn tung tóe vào người. Một đám phụnữ Thái đang giặt giũ bên mép hồ, váy vấn cao lộ bắp chân tròn vo, ngần trắng , tiếng đập vải bồm bộp, bồm bộp vang động cả mặt nước. Tôi lớn lên trong những câu chuyện hoang đường được thêu dệt xung quanh cái hồ xinh xắn ấy. Nào là mỗi năm hồ đều lấy một người và người ấy bao giờ cũng phải là người rất xinh đẹp, giống như năm ngoái là bé gái nhà Hinh da trắng, môi đỏ, mắt đen lay láy, khi được vớt lên con bé vẫn tươi tắn như người còn sống. Nào là có người đã tận mắt thấy đuôi con thuồng luồng ở hang nước dẫn sang hồ... Chẳng biết những truyền thuyết ấy thực hư đến mực nào chỉ biết mỗi lần đi qua cái hang ấy chúng tôi đều cố dợm bước thật nhanh,mắt nhìn lấm lét, sống lưng cứ có gì rợn rợn hệt như có một đôi mắt ai đó từ trong hang nước đang bí hiểm dõi theo mình.

Chủ nhân đích thực của Mai Châu là người Thái trắng. Nghe nói người Thái là một trong những tộc người văn minh nhất trong các dân tộc thiểu số. Tôi chưa từng xem qua chữ của họ để biết cái trình độ văn minh thể hiện bằng văn tự ấy trông nó thế nào nhưng lối ăn ở sinh hoạt của họ thì tôi rất rõ. Theo chân các bạn học chúng tôi vẫn thường vào những bản Thái chơi. Hai bênđường bản là hai con lạch nhân tạo được vén rất khéo bằng đá trắng dẫn nước về ao các nhà. Nhà sàn của người Thái không giống nhà sàn Mường chủ yếu làm bằng tranh tre nứa lá, nhà sàn Thái tạo dựng từ chất liệu chính là gỗ cho nên vô cùng chắc chắn và đẹp đẽ. Đằng trước mỗi ngôi nhà là một cái ao nước nhỏ mà xung quanh thường trồng hoa mào gà hay hoa loa kèn đỏ nhưmột viền đăng ten rực rỡ. Người Thái cũng có tục ăn trầu nên nhà nào cũng trồng một rặng cau tăm tắp. Rửa chân ở ang nước dưới chân cầu thang rồi bước lên nhà, tìm đến một trong rất nhiều các cửa sổmở ra với bát ngát xanh cây cỏ bên ngoài, hít căng lồng ngực bầu không khí trên cao tinh sạch phảng phất mùi hương cau , tôi tin bạn dễthành thi sĩ lắm.

Bây giờ nhà tôi ở thành phố, đất chỉ đủ xây nhà nên thiên nhiên muốn bước vào cũng đành đột kích xuống từ trên cao, treo mình trên những giò phong lan gầy còm vì thiếu khí rừng hay chen chân vào những chậu cảnh bốn mùa được tưới bón bằng các loại phân vi sinh nhân tạo. Còn ngày ấy ngôi nhà của tuổi thơ tôi nằm trên một khoảng đất rộng, phía trước phía sau đều có sân vườn. Đầu ngõ là cây mít rất to làm vạch ranh giới tượng trưng giữa nhà tôi và nhà hàng xóm. Tình người Mai Châu thuần hậu, chan hòa nên giữa các nhà chẳng có rào dậu gì cả, cùng lắm chỉ là một rặng râm bụt thâm thấp chủ yếu để tạo dáng, tạo sắc cho không gian thêm vuông vức xanh tươi mà thôi. Trong nhà không khi nào có một lọ hoa tươi nhưng ngoài sân, trước cửa thì hoa nở rực rỡ. Hoa loa kèn, hoa tóc tiên, hoa thược dược, có nhà còn trồng cả anh túcđể lấy nhựa, đến mùa những cánh hoa mỏng bung nở như những đàn bươm bướm đủ màu.

Trường chúng tôi học nằm sát chân núi, tan trường chúng tôi vẫn trèo lên núi hái quả rừng ăn. Quảsim chan chát, tím sậm bàn tay, mâm xôi đỏ đỏ, ngọt lịm bờ môi, mọc sìm chua khé, ê nhức chân răng....rồi bao nhiêu thứ lá non, quả dại khác chúng tôi đều thử nghiệm một cách liều lĩnh. Không ít đứa đãđau bụng, ngộ độc vì những thứ lá quả không ai biết mặt đặt tên ấy. Ngay dưới chân núi là sân vận động của nhà trường ngập đầy cỏ may. Chiều chiều người lớn thì đá bóng còn trẻ con thì kéo nhau đến đây để bắt chuồn chuồn. Sân cỏ may là lãnh địa của loài côn trùng yêu trẻ này. Bắt một con chuồn chuồn bé cánh vàng nâu xâu vào một cọng cỏ dài, thế là ta đã có một chiếc cần câu thật xịn. Quay tròn, quay tròn chiếc cần câu đó cạnh những con chuồn chuồn to một lát là chúng say mồi cắn câu, lúc ấy chỉ việc chộp lấy con vật to xác, háu ăn rồi xâu vào một cọng cỏ, nếu khéo câu chỉ một lúc đã có một xâu chuồn chuồn nặng trĩu.Tôi thì không thích câu chuồn chuồn to vì lẽ tôi vụng câu lại hay sợ bị chúng cắn và cũng còn là bởi tôi thích chuồn chuồn kim hơn. Mang một cái lọ thủy tinh trong suốt đến sân, tôi mải miết rình bắt những con chuồn chuồn kim bé nhỏ đầy màu sắc nhốt vào lọ. Đôi cánh nhỏ xíu mỏng tang chớp chớp nhưmột hàng mi e thẹn, cái thân hình nhỏ xíu anh ánh sắc đỏ, sắc vàng, sắc nâu đủ loại nối với một cái đuôi dài như chiếc kim mảnh dẻ mềm mại, chúng luôn khiến tôi tưởng đến tinh hồn xinh xắn của các loài hoa trong những câu chuyện thần thoại đầy ăm ắp trong trí tưởng tượng trẻ thơ. Bị nhốt vào lọ chúng khua cánh loạng choạng rồi đậu vào thành thủy tinh giương những đôi mắt lồi to nhìn tôi trân trối. Khi lọ đã chật rồi tôi lại bật nắp để được nhìn ngắm những cái kim đủ  màu chấp chới bay ra.

Sinh hoạt chợ búa ở mai Châu mang nét đặc thù của mọi vùng quê miền núi, mỗi tháng chỉ có đôi lần chợ phiên. Vào phiên chợ, người người đổ về thị trấn trung tâm từmọi ngả. Người bên Loong Nuông sang, người trên Hang Kia, Pà Cò xuống, người dưới Hòa Bình lên... Rộn ràng, náo nức. Đi trong phiên chợ, con bé tôi như say đi trước sắc màu âm thanh đủ loại. Tiếng Mèo, tiếng Mán, tiếng Tày, tiếng Dao.... Bám theo những cái váy sặc sỡ, tôi mê mẩn ngắm nhìn dáng đi đong đưa, uyển chuyển cùng chiếc khăn đầu quấn cầu kì thả rua xuống gương mặt tối tối không biết cơ man nào là khuyên bạc của những người phụ nữ Mèo rồi ù té chạy khi họ bất thần ngoái đầu nhìn lại. Lạc giữa những thúng đào xanh, mận đỏ, những mẹt mộc nhĩ, nấm hương thơm ngát, những quả bóng bay vàng xanh to nhỏ đủ cỡ tôi thấy mình như đang đứng giữa một miền cổ tích xa xăm.

Đêm qua tôi lại mơ về Mai Châu. Một vạt nương ai đang đốt, lửa cháy rừng rực, tàn than túa đỏ cả chiều tà . Vầng trăng non trắng bạc treo lơ lửng trên đầu núi. Con đường cuộn tròn quanh mặt hồ rung rinh gợn sóng... Và tôi biết những giấc mơ như thế sẽ vẫn còn trở lại nhưtuổi thơ kia đã kiêu hãnh ra đi nhưng dư vang của nó vẫn ám ảnh ta suốt cả một đời.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét