Trang chủ

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Vũ Như Tô, anh là ai?


Tôi còn nhớ trong Thi nhân việt Nam , nhà nghiên cứu Hoài Thanh trước khi đặt dấu chấm hết cho lời giới thiệu về gương mặt thơ tài hoa yểu mệnh Hàn Mặc Tử đã viết
“ Một người đau khổ nhường ấy lúc sống ta hững hờ bỏ quên, bây giờ mất rồi ta xúm lại kẻ chê người khen. Chê hay khen tôi đều thấy có gì bất nhân”. Phải! Với những tài năng khác thường, những thân phận đặc biệt giống như Hàn thì chê hay khen cũng đều có gì thật bất nhân! Và tôi cũng không định làm cái việc bất nhân ấy khi cố ý lật lại Vụ án Vũ Như Tô, vả chăng ấy cũng chẳng phải là việc mà kẻ mọn tài như tôi có thể cáng đáng được.Nhưng im lặng trước một mối oan khuất, chôn sâu một suy nghĩ chỉ vì nó “Ngược chiều gió thổi”  chẳng phải cũng là một việc bất nhân sao? Cho nên tôi bạo gan viết ra vài dòng suy nghĩ riêng về số phận Vũ Như Tô, cũng coi như đưa ra một đề tài tranh luận cho các bạn có cùng mối quan tâm biết đâu nhờ thế mà tôi sáng ra thêm được ít nhiều thì thực là may mắn lắm!
        Sách Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ thực lục, quyển XV, Kỷ Nhà Lê, Tương Dực Đế có chép “ Trước đây, xã Minh Quyết, huyện Cẩm Giàng có người thợ Vũ Như Tô ( tức tên đô Nhạn), ở nhà lấy cây nứa dựng thành kiểu điện lớn trăm nóc, đến đây đem kiểu nhà ấy dâng lên khuyên nhà vua xây dựng”. Ở một chỗ khác sử gia khẳng định “ trước đây Tô xuất thân là thợ, đem kỹ xảo mê hoặc nhà vua, được lạm bổ làm đô đốc kiêm coi các sở công bộ”. Khi ấy, xảy ra cuộc đảo chính do Quận công Trịnh Duy Sản cầm đầu, “ Nguyễn Hoằng Dụ đóng quân ở Bồ Đề , được tin Duy Sản bạo nghịch giết vua , liền đem quân qua sông, đốt phá hết phố xá trong kinh thành, chém Vũ Như Tô ở ngoài cửa thành. Lúc ấy Như Tô đương coi làm mấy cái nóc nhà đại điện chưa xong thì bị giết, mọi người đều chỉ trích chê cười, có người nhổ nước bọt vào thây của hắn” (Khâm Định Việt sử Thông Giám Cương Mục ). Vài chạm khắc sơ sài của sử sách hình như cũng đã đủ tạc thành chân dung một số phận và vỗ yên lòng hậu thế ngót 5 thế kỉ. Người ta đã có thể an lòng với nhận định về kết thúc tất yếu của một tên thợ cả vô danh tiểu tốt quên mất thân phận mình dám trèo vào chốn cửa quyền bằng cách nạp thân cho bạo chúa. Lịch sử đã có thể ngủ yên theo cách của nó trước số phận một con người nhỏ bé nếu không có sự ra đời của một vở kịch có tên “Vũ Như Tô” . Với “Vũ Như Tô”, lần đầu tiên người thợ cả họ Vũ được đánh giá lại dưới một góc nhìn hoàn toàn khác, lần đầu tiên người xem kịch ngẩn ngơ băn khoăn cùng tác giả “ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải?”( Đề tựa vở kịch của tác giả). Và lần đầu tiên chúng ta thấy hình như cái án chết của người thợ cả thủa nào là oan sai và  những bãi nước bọt đã nhổ lên thây người người thợ ấy thực có gì thực bất nhẫn...
       Vậy rút cục Vũ Như Tô là tội nhân lịch sử với một kết cục đích đáng hay Vũ Như Tô là một nạn nhân lịch sử với mọt cái chết oan sai??? Dựa trên những cứ liệu lịch sử ít ỏi còn lại để đưa ra một kết luận thì quả là không thoả đáng mà dựa vào thái độ của người viết kịch để xác định một cái nhìn thì lại quá đỗi chủ quan. Trong những bối rối học thuật như vậy người viết đành dựa vào nguồn cứ liệu có sẵn và  những suy ngẫm chủ quan để đưa ra một cách nghĩ, một quan niệm. Rất mong các bạn quan tâm chỉ giáo!
       Trước hết, không thể phủ nhận một điều Vũ là một người thợ có tài, một kiến trúc sư trác tuyệt. Nếu chẳng có tài trời như vậy thì Vũ đã không lọt vào Con mắt xanh của Lê Tương Dực. Vấn đề là ở chỗ Vũ đã sử dụng cái tài ấy vào việc gì, theo sử sách thì Vũ đã dùng tài ấy để “mê hoặc” vua khiến vua Lê xây dựng đài cao gác lớn khiến cho cuộc sống trăm dân điêu đứng. Vậy có thực là Vũ đã làm như thế hay không và nếu có thì hiệu quả của việc làm này tới đâu ta thử cùng xem xét.
        Người mà Vũ “mê hoặc” là Lê Tương Dực( 1495-1516), ông vua thứ 9 của triều Hậu Lê. Trong lịch sử ông vua này nổi tiếng vì tội hoang dâm xa xỉ, độc ác thường được dân gian gọi là Vua Lợn. Ngay sau khi lên ngôi ông vua này đã có đạo dụ quyết định cho các công thần có thể tận thu và sở hữu những mảnh đất bỏ hoang trong dân gian. Đạo dụ ấy đã mở đường cho các quý tộc Lê triều vơ vét đất công về làm trang điền riêng và phá huỷ  những thành tựu của chế độ quân điền do những ông vua khai triều lập nên. Để thoả mãn thú ăn chơi hoang tàng của mình ông vua này còn xây nhiều điện các nguy nga mà Cửu trùng đài là một trong những công trình như thế. Cái quyền lực hưởng lạc của một bậc Thiên tử  sẽ khiến ông vua này kéo Vũ Như Tô về phía mình như một tất yếu. Cái tội của Vũ có lẽ chỉ là ở chỗ Vũ có tài và sau nữa Vũ lại chỉ là một người thảo dân. Là thảo dân Vũ chỉ biết nộp mình cho công cuộc mưu sinh chật vật trong cái thủa gạo châu củi quế. Ta làm sao có thể ép một thợ cả sinh sống ở một vùng quê nghèo đói nhìn rộng ra thế cuộc mà nhận rõ tất cả đúng sai chốn cửu trùng?! Là một thường  dân chân lấm tay bùn Vũ làm sao có thể có cơ hội phỉnh phờ, mê hoặc ông con Trời kia đây?! Có chăng cũng chỉ là ếch kêu đáy giếng. Và cũng vì là một thường dân của một đất nước quân chủ mà Vũ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài cúi đầu tuân mệnh trước chỉ dụ của Vua.
      Cái tội thứ hai của Vũ đó là Vũ có tài. Vì có tài mà Vũ có nhu cầu thi thố tài năng, bỏ quên mất cái quy luật nhân sinh Tài Mệnh tương đố.Vì có tài mà Vũ được Cửu trùng trông đến để đến nỗi xảy ra cả một oan án thảm khốc sau này. Cái đáng trách nhất của Vũ đó là đã đem cái tài của mình phục vụ hôn quân nhưng hãy nhớ Vũ chỉ là một người thợ cả mà thôi, chuyện chính trị là việc của các bậc mũ cao áo dài, đọc chữ Thánh hiền còn với Vũ xây dựng Cửu trùng đài là việc mưu sinh, là cơ hội thi thố tài năng. Vũ không phải không có mắt để nghe, không có óc để nghĩ nhưng ấy chỉ là mắt, là óc của một thợ cả mà thôi. Tin rằng bao bộ óc uyên bác đã đọc nát sách Thánh hiền, nói bao lời cao đạo, tai từng nghe bao tiếng oán thán của sinh dân vẫn còn mũ ni che tai để vinh thân phì gia chứ trách gì ứng xử của kẻ ít chữ như thợ cả họ Vũ. Vũ đến giữa cuộc đời này không phải với tư cách một bộ óc làm chính trị mà như một đôi tay khéo léo tài hoa và một khát khao được trổ tài xây dựng. Ta trách gì đôi tay ấy khi nó mải miết xây dựng Cửu trùng đài để tôn vinh tài năng người thợ Việt, hãy trách thời đại chẳng chiều người để đến nỗi một tài trời tan nát với cỏ cây. Người thợ cả ấy khi được lạm bổ làm đô đốc coi việc các bộ công chắc cũng ngơ ngẩn không biết dụng cái quyền của mình vào việc gì. Trong cơn phong ba của lịch sử hạt cát Vũ Như Tô đã bị cuốn đi đáp xuống vực đen lầm lụi. Vũ Như Tô chắc sẽ không thể biết một ngày nào đó mình lại sẽ trở thành tấm bia đỡ lấy tất cả những căm phẫn, thù hận của người đời. Mọi cuộc đảo chính đều cần dựng lên một kẻ thù hữu hình nào đó để người ta căm phẫn ( cũng như mọi chế độ hình như đều phải dựng lên một huyền thoại để người ta tôn thờ và duy trì nó?!), Như Tô đã vô tình trở thành cái biểu tượng xấu xa đó. Chàng đã chịu một cái chết đau đớn, nhục nhã và... oan khuất! Cái chết của Vũ Như Tô là một minh chứng xót xa cho thân phận bọt bèo của con người trong cơn ba động không như ý của lịch sử. 
     Đã không ít lần khi đặt chân lên những con đường của thành phố tôi vẫn bâng khuâng tự hỏi: Không biết những trầm tích lịch sử nào đã xếp lớp dưới những viên đá lát đường này? Không biết những số phận lịch sử nào vẫn gào thét trong cõi vô thanh đòi hỏi một sự phán quyết công bằng?  Lịch sử có khi câm lặng (hay nó trả lời theo cách riêng của nó?) nhưng lòng người không vô cảm nên tiếng vọng của thời gian vẫn thường trăn trở tìm về trên trang viết.  Để đặt dấu chấm cho entry khô khan này tôi xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Huy Tưởng bởi nếu không có ông và vở kịch của ông đánh động, tôi cũng sẽ như bao người bỏ quên thân phận một Vũ Như Tô trong nét gọt sơ sài của các sử quan  triều Lê, triều Nguyễn!   
 ( Những con chữ màu xanh này là tín hiệu tôi riêng gửi tặng một người bạn rất quý. Cảm ơn cmt thơ hồi nào của anh đã là gợi ý đầu tiên để tôi viết nên entry này!)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét