Trang chủ

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Bố và con gái


        Khi con gái sinh, bố ngồi nhà hút thuốc lào sòng sọc, nhất quyết không chịu xuống bệnh viện. Ấy là bố sợ nhận tin về sự ra đời của cô con gái thứ tư. Thế mà con gái thực! Vậy là bố ở nhà luôn. Chuyện này làm con gái tủi thân mãi.

        Khi con gái nhỏ, bố chiều con nhất nhà, chuyên sai con đi mua rượu. Nhưng con ghét điều đó vì con sợ nghe thấy câu mỉa “ Con gái rượu của bố mà lại!” của mẹ hay các chị, câu nói làm con thấy mình lẻ loi, cô độc.
        Khi con gái nhỏ, bố làm cán bộ nhà nước nhưng hết giờ làm việc lại đi ra nhà máy xay sát bốc vác thuê. Con không thích điều đó vì không muốn chúng bạn nhìn thấy bố mình bốc vác thuê      
         Khi con gái nhỏ, mỗi lúc mổ gà bố luôn ăn đầu và chân . Bố gắp cho con miếng lườn thật ngon và giải thích: “ Trẻ con không được ăn chân,  sau này bị run tay  đấy! ”.
       Rồi con gái lớn, con học xa nhà, mỗi lần về lại thấy bố lọc cọc chiếc xe đạp ra đón, qua chỗ dốc cao, con dợm chân định nhảy xuống bố vội ngăn “ Ngồi yên đấy, để bố đi cho nhanh”. Ngồi sau xe, con rớm nước mắt thương cho cái lưng áo bạc màu. Bố vẫn giành ăn chân gà, đầu gà
nhưng giờ thì con hiểu chẳng phải vì bố sợ con run tay .
       Con gái lấy chồng, bố thở dài với mẹ: Nó đi đúng vào giờ Tị, tôi lo không lành. Không biết bố bấm quẻ đúng đến đâu chỉ biết con gái đã làm bố chảy nước mắt. Ôi, nước mắt người cha! Những giọt nước mắt chưa tràn khỏi bờ mi đã bị bản năng đàn ông chặn lại nhưng cũng đã kịp chảy xót cả lòng con gái suốt những năm tháng sau này.
         Nghĩ về bố, trong lòng con gái luôn là niềm yêu kính xen lẫn xót thương. Bố thuộc về một lớp người đặc biệt, lớp những người đàn ông hiền hoà , trung thực thương vợ quý con và hoàn toàn không có khả năng “ Mồm miệng đỡ tay chân” như các quý ông thời thượng. Bố hay uống rượu nhưng con biết chưa khi nào bố biết cất chén rượu nói những lời đao to búa lớn giữa một đám đông đỏ gay đỏ gắt. Bố cũng không biết cách la mắng các con, có lẽ trong nhà bố chỉ “bắt nạt” được mẹ bởi những dằn dỗi của một người già. Mẹ sợ nhất là bố dỗi vì lúc ấy bố sẽ bỏ cơm lên gác đóng cửa nằm một mình.“ Khổ lắm cơ, ông ấy cứ bỏ cơm như thế thì mấy mà...”. Bố mẹ cũng thật lạ, cứ con gái về là  thi nhau “kể tội” đối phương nhưng hễ xa nhau thì người đầu tiên mà mẹ nhắc nhỏm là bố “ mẹ lo không có mẹ ở nhà rồi bố mày cơm nước chẳng ra sao”,  và cô em dâu khi gọi điện bao giờ cũng thông báo“ bố bảo con hỏi xem bao giờ mẹ về?”.  Bố già rồi, cái lưng còng gập xuống dưới sức nặng thời gian và ê nhức mỗi lúc trở giời nhưng bố vẫn lụm cụm đi ra đi vào làm việc nọ việc kia không ngơi tay mặc cho mọi người rầy la, ngăn cản. Lần trước về con nhớ bố đã hớn hở khoe về thành tích chữa được cái máy bơm nước ọc ạch “ ông ấy thì làm cái gì cũng được được, chỉ tội tham làm quá, lắm khi cũng thấy thương!”, mẹ nói vụng. Con vẫn biết bố là người khéo léo, hồi con học lớp 2, chúng con phải tham gia mitting diễu hành chào mừng ngày giải phóng Điện Biên, bố đã làm cho con một vòng lá nguỵ trang tuyệt đẹp, con vẫn nhớ cảm giác tự hào của mình khi đeo vòng lá nguỵ trang ấy đi bên chúng bạn.
              Có lần khi thu dọn nhà cửa con bắt gặp những cuốn sổ đã ngả màu, những cuốn sổ nhật kí của bố thời trai trẻ. Những tự sự về lí tưởng, về cuộc sống chen lẫn những bài thơ tình Xuân Diệu, Nguyễn Bính và những bức thư bố đã gửi mẹ từ hồi nảo hồi nào mở ra cho con một góc nhìn khác về người cha mà con luôn thấy già đến thế. Con mới ngỡ ra rằng có một thời nào đó bố mình cũng từng là chàng trai trẻ, cũng từng nao nức, sôi nổi những cảm xúc tình  yêu trong một hoàn cảnh đầy những ràng buộc, cản ngăn. Con bỗng thấy thương bố quá, thấy  sợ cái khắc nghiệt của quy luật tự nhiên quá, trời ơi, thời gian có thể bôi xoá được nhiều thứ thế ư?
           Giờ thì bố đang trên bàn mổ mà con gái lại ở xa không thường xuyên có mặt ở nhà( thế là con đã trả đũa vụ con sinh bố không chịu xuống viện rồi nhé!). Với sức khoẻ người già thì chỉ một tiểu phẫu nhỏ cũng là cả một vẫn đề huống hồ bố lại mổ, mà trời thì rét quá. Nhưng sẽ không sao phải không bố?! lần này bố cũng sẽ  vượt qua giống như lần bố bị gãy chân khi đi công tác, hay lần bị tai nạn đổ xe đúng không? Con biết bố rất dẻo dai. Bố sẽ lại khoẻ mạnh để rồi lụm cụm đi xuống cầu thang mỗi lúc con  về và cất lời quen thuộc “ Đ đã về đấy à con? Thế cháu ông đâu ?”, để con được ôm lưng bố từ phía đằng sau cảm nghe hơi ấm từ người bố toả nóng cả ngực mình, để con được mẹ và các chị ngấm nguýt yêu thương “ con gái rượu của bố mày mà!”. Con biết sẽ là như thế! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét