Trang chủ

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Định luật Murphy

      Bạn thường nguyền rủa sự thiếu may mắn của bản thân trong mọi việc, giả như một hôm nào đó sợ đi làm muộn bạn vội vàng lục ngăn kéo nhưng không kiếm được hai chiếc tất cùng đôi;
trong nhà bếp lát bánh mì trượt khỏi đĩa và đáng buồn nhất là mặt phết bơ lại bị úp xuống đất, rồi hôm bạn không mang áo mưa thì trời bão còn hôm trời âm u bạn rời khỏi nhà trong niềm tự đắc mình là người chu đáo vì đã mang phòng sẵn áo mưa thì cả ngày lại chẳng có hột 
mưa nào rơi xuống báo hại bạn phải lủng củng túi nọ túi kia....Nhưng bạn ơi, hoá ra chuyện này chẳng phải là do sao quả tạ chiếu mệnh bạn mà là do mọi việc đang tuân theo một định luật có tên "Định luật Murphy"

       Nội dung định luật Murphy được phát biểu giản dị như thế này " Nếu một việc có thể diễn tiến theo chiều hướng xấu, nó sẽ diễn tiến đúng như thế". Ở các nước phương Đông cũng thấy có một quan niệm như thế dù nội dung phát biểu hơi khác đi " Phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí"

        Định luật này xuất hiện năm 1949 có nguồn gốc từ một nghiên cứu của không quân của Mỹ về tác động của quá trình giảm tốc nhanh đối với các phi công lái máy bay phản lực. Tên của định luật gắn với tên đại uý không quân Edward A. Murphy, người trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu này. Sự thất bại hi hữu của nghiên cứu đã được chuẩn bị rất hoàn hảo này khiến Murphy phải thốt lên " Nếu trong nhiều cách có một cách sai-sẽ có người thực hiện cách sai đó!". Định luật Murphy đã ra đời như thế!


        Nhưng không phải chờ đến Murphy người ta mới nhận ra tính bướng bỉnh của các sự biến. Nhiều phiên bản của định luật đã có từ những thế kỉ trước. Chẳng hạn, nhà thơ Scotland Robert Burn đã phát biểu năm 1786 " Tôi chưa từng có một mẩu bánh/ Đủ dài và đủ lớn/ Nhưng khi rơi xuống nền cát/ Mặt phết bơ luôn rơi xuống trước". Và bạn cũng dễ nhận ra một thực tế là khi cuốn sách của bạn rơi từ bàn xuống đất thì thường nó hay bị úp sấp, thời tiết thường xấu vào ngày nghỉ và xe ta thường hỏng khi ta trên đường đi đến một cuộc gặp quan trọng rồi nữa khi xếp hàng thì hàng bên cạnh thường kết thúc trước.v..v..


         Phần lớn các nhà khoa học thường xem đó là kết quả của "kí ức chọn lọc" xuất phát từ chỗ những sự việc đáng buồn thường ăn sâu trong tâm trí con người nhưng một số nhà khoa học như Robert Matthews của ĐH Aston tại Birmingham ( Anh), giáo sư vật lí William H. Press ( ĐH Harvard) lại dùng kiến thức của nhiều ngành khoa học để khám phá và chứng minh tính có cơ sở của định luật này. Ở đây bài viết xin không dẫn lại những minh chứng đầy sức thuyết phục nhưng vô cùng rắc rối, phức tạp của các nhà khoa học ấy mà chỉ muốn cùng các bạn đi đến cái kết luận mà chúng ta quan tâm đó là: Rõ ràng vũ trụ luôn tòng hành chống lại chúng ta.Và vì thế chúng ta cần có một thái độ bao dung hơn đối với những rủi ro, lệch hướng... của chính mình trên hành trình sống ( ít ra với người viết bài này thì đây có thể trở thành cái cớ tốt bao biện cho tất cả những vụng về, lóng ngóng của mình ! Hì!).Bây giờ thay bằng trách cứ bản thân về cái đĩa quý lỡ tay làm vỡ các bà nội trợ có thể hoan hỉ đổ tội cho định luật Murphy và khi bạn định cho rằng mình là kẻ kém may mắn nhất trần gian thì hãy nhớ ra rằng gần như toàn bộ phần còn lại của thế giới cũng đang nghĩ về họ như thế. Và bạn không cô đơn. Hoan hô định luật Murphy! 
        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét