Trang chủ

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

Đọc "Ăn, Cầu nguyện, Yêu"


Trang 307 " Ngày đang tàn. Đã đến lúc để cái gì đó đã đẹp biến thành cái gì khác cũng thật đẹp đẽ". Ý tưởng này làm mình bừng thức.
Đúng! tại sao bấy lâu nay mình luôn mang một tín niệm sai lầm rằng khi một cái gì tốt đẹp đã mất đi thì luôn luôn còn laị ở đó một khoảng trống tối tăm cho sự tiếc nuối, tại sao mình không nhận ra rằng chỉ khi ánh mặt trời huy hoàng đã tắt thì mới có cơ hội cho ánh sáng dịu mát của vầng trăng ngời tỏa trên bầu trời? mình đã mãi tiếc cái tuổi 20 mà quên mất rằng tình yêu thực sự của cuộc đời mình chỉ đến sau khi mình đã ngoài 30 tuổi.

Hằng ngày Thượng Đế đã gửi xuống cho chúng ta biết bao ẩn dụ về ý nghĩa thực sự của Hạnh phúc nhưng ta vì mải miết kiếm tìm nó ở đâu đâu nên nhiều khi không đọc thấy câu trả lời thực sự đang ở ngay trước mắt mình. Một hôm nào đó bị cúm, ta phải há miệng ra hớp lấy không khí một cách khó khăn, nhìn những người xung quanh ta phát thèm mà ao ước"Giá bây giờ được hít thở bình thường như họ thì hạnh phúc gì bằng !". Và như thế lời nguyện cầu hạnh phúc của ta có khi giản dị là được hít thở không khí trong lành, được uống một ngụm nước đúng lúc, được khỏi một cơn đau đầu dai dẳng... ấy thế mà khi ta sở hữu chúng (mà hầu hết khi nào ta cũng có chúng) ta lại chẳng nhận ra rằng mình đang hạnh phúc.

Sống là để trải nghiệm hạnh phúc làm Người! Điều này nghe thật giản dị, vậy mà không phải ai cũng hiểu và làm được như thế. Phần lớn chúng ta đều mải miết chuẩn bị hành trang cho hạnh phúc nhưng cả đời lại chưa bao giờ được hạnh phúc thực sự cả. Khi còn nhỏ ta đi học để rồi dùng cái học ấy để đi làm, kiếm tiền xây nhà dựng cửa, sau đó khi về già ta lại tiếp tục chi chút, gom góp chuẩn bị cho con cái một hành trang kinh tế nào đó để chúng vào đời và khi nhắm mắt xuôi tay chúng ta tự hào là một đời ta đã dành tất cả cho con cái, người thân của mình. Nhưng con cái ta, nếu tốt ra chúng lại tiếp tục tạc lại hình ta trong cuộc sống của chúng, và cứ thế, cứ thế..thế hệ nọ tiếp thế hệ kia chỉ được biết đến một thứ hạnh phúc khắc khổ duy nhất là Sự hi sinh. Vậy tại sao ta không trải nghiệm hạnh phúc thực sự và dạy con cái mình biết cách hạnh phúc? Điều này không có nghĩa là bạn sống ích kỉ mà thực sự ấy là cách bạn tri ân cuộc đời đã cho bạn cơ hội sống làm người. Hãy dạy mình biết thưởng thức hạnh phúc ngay cả trong khi mình đang chuẩn bị hành trang cho nó theo cách mọi người vẫn thường nghĩ. Nhận thức sâu sắc mình chỉ có một cuộc đời duy nhất để mà sống , mà yêu, mà buồn vui, sướng khổ.. để biết quý trọng từng phút giây của thực tại là cách duy nhất để chúng ta có hạnh phúc thực sự. Sáng nay trên đường đi làm nếu bạn chỉ mải mốt bước chân với cái đầu đầy những toan lo thì bạn đã không nhận ra rằng trời đã chuyển mùa và những cơn gió se lạnh đang dịu dàng gửi đến bạn chút hương cuối thu của những chùm hoa sữa hiếm hoi còn lại.Nếu biết mình chỉ có một cuộc đời duy nhất bạn sẽ trân trọng hơn những cái mà mình đang có ngay cả khi đó là một nỗi đau vì bạn biết Niềm vui và Nỗi đau, Sung sướng và Khổ sở là những phần tất yếu của một đời người, nếu không từng trải một nỗi đau sao bạn trở thành một con người thực sự? Hãy đón nhận hết mình những niềm vui nhưng cũng đừng bi kịch hóa quá những nồi buồn vì nỗi buồn cũng giúp bạn lớn lên, hãy dịu dàng, bao dung với chúng rồi chúng sẽ hàm ơn bạn vì điều đó. Và bạn ạ, khi nhìn ngắm một bông hoa đẹp , bạn đừng để nỗi dự cảm về lúc hoa tàn phá vỡ niềm hạnh phúc ấy của bạn nhé, hãy biết rằng một bông hoa này tàn là để cho một bông mới có thể hoài sinh.

Hôm qua tôi còn tiếc nuối khi rời xa cơ quan cũ với những người bạn mà tôi nghĩ mình có đi hết cuộc đời cũng khó mà tìm lại được nhưng hôm nay tôi hiểu rằng mình sẽ không tiếp tục cảm xúc ấy nữa vì những người bạn ấy sẽ vẫn bên tôi và bên cạnh họ tôi còn có thể tìm cho mình những người bạn khác. Tôi hiểu hành trình mài giũa, thay đổi mình để biết cách trải nghiệm hạnh phúc thực sự chẳng dễ dàng gì nhưng nếm trải khó khăn để biết niềm vui khi chiến thắng cũng là hạnh phúc cho nên tôi sẽ cố gắng hết mình! Và bên tôi luôn có Thượng Đế!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét