Vẫn thường nghe người miền biển ăn to nói lớn, tính cách phóng khoáng, nồng nàn nhưng chưa một lần may mắn kết giao nên với tôi tính cách người miền biển vẫn chỉ là một ý niệm đầu môi.
Tôi đã nhiều lần gặp biển, biển Mỹ Khê mênh mang trời nước, biển Hạ Long kì vĩ đá hang, biển Sầm Sơn dạt dào mây sóng...nhưng chỉ khi về với làng chài nghèo khó Hải Thanh tôi mới biết thế nào là người miền biển.
Trước khi chạm ngõ làng chài, tôi đã gặp một người đàn ông đến từ lòng biển. Em kém tôi lối chừng chục tuổi. Hai đứa ngồi cùng một hàng ghế trên chuyến hành trình đêm về Hải Thanh. Ngọn đèn trần héo hắt rải ánh vàng lên những dãy ghế nhấp nhô tạo nên vô khối những khoảng tối đầy âm mưu khiến tôi không khỏi lo ngại về người bạn đồng hành trái giới. Đêm căng thẳng trôi qua trong cảm giác tự vệ khiến tôi mệt mỏi gật gù nhưng dây thần kinh vẫn căng lên mỗi lúc xe xóc, đẩy cái hình nhân bên cạnh xô giạt vào mình. “ Em không ngủ à?” ( Em!? Đi về hỉ mũi cho sạch rồi làm Anh của con tui nhé!), “ Xóc quá hả? Tựa vào tay anh mà ngủ này!” và một cánh tay đã khoác rất tự nhiên lên thành ghế cứng ( Hả? Sao tưởng chanh đá hay sao mà uống dễ thế?). “ ừ, cảm ơn bạn, nhưng mình đi xe không ngủ bao giờ!”, “ Vậy hả? Vậy anh thức để nói chuyện với em nhé?”, “ Ấy, không cần đâu! Bạn cứ ngủ đi, mình thích ngắm cảnh” . Nhưng rồi anh chàng vẫn cứ thức nói chuyện với tôi. Gọi là “nói chuyện” cho oai chứ kì thực là toàn anh ta nói cả. Câu chuyện đã sắp xếp đại từ nhân xưng về vị trí đúng “Chị- em” và thêm cho tôi rất nhiều chuyện thú vị về vùng đất mình sắp đến. “ Cho em số điện thoại của chị nhé?” cậu lưu luyến khi chuẩn bị rời chỗ “ Hì, thôi, có duyên sẽ gặp lại em ạ”.
Và tôi đã gặp lại em hai ngày sau đó. Hôm ấy đang lang thang ngó nghiêng đường làng ngõ xóm, tôi giật mình vì một cái xe máy dừng xịch ngay trước mặt và dưới vành mũ là một bộ mặt không thể hồ hởi hơn “ Chị!”. Và tôi không thể không vui mừng thừa nhận mình đã vớ được một bodyguard tuyệt vời trong những ngày ở biển. Tính tôi ham chơi nhưng lại nhát người, tôi thèm được nghe tiếng sóng tự tình với bờ cát dưới trăng khuya, thèm được ngắm nhìn nhịp mưu sinh của người dân làng chài vào lúc tinh sương mờ đất, nhưng lại sợ những ánh mắt tò mò, chòng ghẹo nên tôi rất mừng khi có được em. “ Em hãy tỏ lòng hiếu khách của quê mình với chị bằng cách mỗi ngày em cho chị sử dụng 1,5 giờ của em, 1 giờ buổi tối và nửa giờ vào buổi sáng sớm. Có được không?” Tôi vừa đề nghị vừa yêu cầu vừa năn nỉ. “ Tưởng gì! Cho luôn hai giờ đi!” Em cười rộ. Thế là từ hôm đó, ngày hai lần em kiên nhẫn cùng tôi lang thang trong bình minh và đêm tối. Em hay nói, hay cười, kể đủ thứ chuyện trên đời về cuộc sống người dân quê mình, về tập tính của các loài sinh vật biển và nhịp sống của biển. Tôi đi bên em, khi thích thú nghe chuyện khi mải miết ngắm biển. Tôi nhớ đêm đó biển tuyệt đẹp, trăng non như một vành nón bạc chao nghiêng trên nền trời trong, ánh sáng dịu dàng ôm trùm bao luyến những sóng cát mịn màng , rặng phi lao tạc hình trên nền trời bằng những nét vẽ linh động được tạo ra bởi gió. “ Trăng vẫn đó, mà anh xa quá, nơi cuối trời anh có ngóng trăng lên...”, tôi khe khẽ hát và em nín lặng nghe. Tiếng hát đi hoang trên bãi biển vắng người và chìm vào trong tiếng ầm ì của biển. Em chợt nắm tay tôi , tôi giật mình nhưng rồi để yên tay mình trong tay em lặng lẽ, có lẽ là bởi ở em động tác ấy có gì tự nhiên, trong lành quá, trước nó, cái rút tay lễ nghĩa bỗng trở thành cằn cỗi, vô duyên. “ cầm tay chị dễ nhỉ!”. Tôi bật cười trước nhận xét thật thà của em: “ Thưa cậu, cho cậu biết một sự thật là tôi chẳng dễ để ai nắm tay đâu, cậu thuộc số ít người rất may mắn đấy!”. “Hì! Không phải thế, ý em nói là tay chị nhỏ và mềm, cầm rất dễ, khác hẳn với tay con trai thường to và cứng, cầm rất khó!”. Tôi định đùa thêm một câu nữa nhưng rồi thôi, em hồn nhiên và đơn giản quá, tôi không muốn những đánh đố ngôn từ của mình làm mệt em.
“Đông Đông nồng nàn”, nếu không có cậu bé làng chài 5 tuổi ấy thì có lẽ những ngày ở biển của tôi đã bớt vui đi nhiều. Cậu bé đã chinh phục tôi bằng thái độ hăng hái đặc biệt của mình trong những cuộc khám phá sự sống cùng cô Miêu nữ. Ra bãi biển, cậu hò hét, nhảy bổ vào những con sóng, cày tay xuống cát để bắt còng nhặt ốc rồi nằm dang tay dang chân trên bãi cát. Cậu bám dính lấy tôi như một cái kẹo cao su đã nhai kỹ với hàng lố những câu hỏi về đủ thứ trên đời từ chuyện các giai đoạn của thai kỳ ( chả là mẹ cậu đang có em bé) tới chuyện ông trời làm mưa như thế nào. Đến lượt mình, cậu cũng kể cho tôi nhiều chuyện mà cậu biết, chuyện Mẹ Maria đã sinh ra Chúa như thế nào, chuyện Chúa đã chịu nạn ở đâu, chuyện con cá bảy màu mà cậu nuôi trong cái ang vỡ đã bị con mèo ăn thịt ra sao. Và liên tục, cậu bé lưu ý tôi vào câu chuyện của mình bằng một hành động hết sức dễ thương - dùng cả hai tay ôm lấy gương mặt của tôi và xoay mặt tôi về phía mình. Khi lũ trẻ trong làng cố tình đá bóng trúng người tôi lúc tôi ngồi chơi trên bãi cát, cậu bé của tôi đã không ngại gì xông pha vào giữa đám trẻ nọ, sẵn sàng chiến đấu để “ bảo vệ” tôi. Tôi phì cười khi cậu kết luận bằng một vẻ rất trang nghiêm “ Bọn trẻ ở đây hư lắm!” . Nhưng tôi biết chính bọn trẻ ấy lại cần mẫn đến nhà thờ học giáo lí mỗi chiều thứ 5 và kiên nhẫn đứng hàng giờ trong buổi hành lễ Dâng hoa Đức Mẹ. Chúng đen nhẻm và chầy xước do nghịch ngợm và làm lụng nhưng tất cả đều rất khoẻ mạnh và rạng rỡ. Chúng có thể ngồi bên tôi hàng giờ trong sân nhà thờ nói chuyện huyên thuyên , đứa nào cũng tranh nhau trả lời các câu hỏi của tôi và kể chuyện của mình. Nghe chúng văng tục ầm ĩ và cãi nhau một cách vui vẻ thật thích.
Ấn tượng của tôi về người miền biển có lẽ sẽ không được đầy đủ nếu không có một sự cố xảy ra vào buổi trưa hôm thứ năm tôi ở biển. Hôm đó đang chăm chúi đọc cuốn “ Thiên thần và ác quỷ”, tôi nghe tiếng la lối ngoài sân, chạy ra thì đã thấy anh chủ nhà một tay cầm xẻng, một tay túm tóc vợ “ Mày muốn chết, ông cho mày chết!”, còn chị vợ ra sức la to “ Ông giết tôi đi! Ối làng nước ôi, thằng T nó giết tôi!”. Tôi hoảng hồn xông ra hiệp sức cùng với mấy người hàng xóm can hai vợ chồng. Cuộc chiến có vũ trang này còn kéo dài thêm mươi phút nữa, rồi sau khi anh chồng bị hàng xóm tước khí giới chị chủ nhà còn kiên quyết lao đầu vào cái chum ướp cá to đùng ngoài sân để thị uy. Đến lúc hai bên thu quân, anh thì sang nhà hàng xóm, chị thì cầm Kinh Thánh ra nhà thờ tôi vừa thu dọn bãi chiến trường ngổn ngang vừa ái ngại nghĩ đến tình cảnh hậu chiến của gia đình họ. Nhưng hoá ra tôi đã lo thừa, buổi chiều khi chúng tôi đi tắm biển về đã thấy chị đon đả chạy ra hỏi chuyện và anh ngồi vắt chân chữ ngũ rít thuốc lào sòng sọc, chuyện trò vui vẻ với mấy người hàng xóm trong nhà. “ Như chưa hề có cuộc chia ly”!*. Nhân câu chuyện xô xát của nhà chủ, tôi còn được nghe bác chở đò hàng xóm kể chuyện có anh chồng nọ sau khi hai vợ chồng cãi nhau, chị vợ tức mình nhảy xuống sông tự tử rồi vừa hô hoán ầm ĩ vừa tự bơi vào bờ, anh chồng đã dùng sào đẩy vợ ra xa. “ Vợ chồng chúng nó cãi nhau, đánh nhau như cơm bữa. Ấy vậy mà chúng nó dính nhau như sam, đi đâu cũng có cả hai mặt, giờ con vợ đang mang bầu đứa thứ 6 đấy!”
Đó, ấn tượng về người miền biển trong tôi là thế đó- những con người mang trong mình nhịp sống hồn nhiên của biển, những con người đầu óc chưa từng bị Khai thị ( hay bị đô hộ?!) bởi bất cứ cuốn sách, triết lý rẻ tiền nào. Họ sống đơn giản và minh triết tuyệt vời trong cái đơn giản vốn có của tự nhiên. Chia tay họ, tôi chợt nhớ đến một dụ ngôn của Chúa “ nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu” ( Matthieu. 18). Và tôi thầm mừng rằng nơi đây tôi đã gặp được thật nhiều “đứa trẻ”!
* thơ Nguyễn Mỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét