Trang chủ

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Thân phận của Tình yêu..


 ( Lại đọc "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh)
    
       Kiên,
      Tôi lại gặp anh trong chuyến tàu đêm tìm về quá khứ. Định mệnh bứt lìa tuổi 40 đời anh thả vào dòng thời gian miên viễn và kì lạ thay mọi con nước đều cuộn chảy về phía tuổi mười tám đôi mươi vừa son trẻ, trong trắng, chân thành vừa ưu sầu, cay đắng, mỉa mai.

      Kiên,
     Tôi vẫn hằng băn khoăn tự hỏi, nguyên cớ gì khiến anh hằng đêm tự  phá huỷ mình trong dằng dặc kí ức về những Truông Gọi Hồn, Đồi Xáo Thịt với những cơn mưa cẳng tay cẳng chân lẹt bẹt rơi trên đồng cỏ, những mái đồi lợp toàn bằng thây người còn lại sau một trận càn đẫm máu mùa mưa? Phải chăng sự tha hoá cùng tột của linh hồn đã trót bị chiến tranh làm biến dạng khiến anh không thể ngừng nhớ về đủ mọi dạng hình cái chết địch, ta?
       Kiên,
       Tôi đã thấy tất cả chúng ta đã gắng sức quên đi quá khứ để làm hoà với thực tại bằng đủ mọi cách từ yếm thế đến gai ngạnh  nhưng sao anh vẫn trần lưng bên ngọn đèn tù mù trong căn phòng luyện ngục riết róng bắt mình ghi lại từng mẩu nhỏ của những ngày tháng đã qua?
        Có lẽ huyền cơ thiêng liêng, cao cả đã cho anh sống sót qua 40 năm với khổ đau và hạnh phúc như thế để rồi anh đồ hình chiến tranh và hoà bình  từ góc nhìn người trong cuộc mà nói với tất cả chúng tôi rằng: chiến tranh nhìn từ phía nào cũng là một Phi lí lớn, một phi lí có khả năng nuốt chửng tất cả những nghĩa lí của cuộc đời, biến tình yêu thành một thân phận mỏng manh và đày ải tàn nhẫn nhân tính con người. Đừng rao giảng Nhục hay Vinh của kẻ chiến bại hay người chiến thắng, đối mặt với súng đạn, mìn bom tất thảy chúng ta đều là những sinh linh yếu ớt, đáng thương...
       Kiên,
      Tôi vẫn nhớ trong những phút giây hiếm hoi vui vẻ bạn bè, anh đã viết những câu thơ cảm khái “ Sông sâu giờ cạn nước xưa...”, câu thơ khiến tôi ngậm ngùi vì khí vị hoài cổ đượm mùi vị Sông lấp của Tú Xương xưa. Kiên chẳng nghe người xưa nói “ Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” đó sao mà vẫn một lòng chằng buộc mình với nỗi niềm xưa cũ? Có phải vì lẽ chính những kí ức một thời binh lửa đã cho anh cơ hội  được sống với cái thời tráng lệ nhất của cuộc đời mình? Đó là cái thời anh được chia ngọt sẻ bùi bên những con người ưu tú nhất của thời đại , những con người      “ Vui lòng chết trong hàng ngũ những người lính thường mà một trong những đặc trưng góp phần tạo nên sức mạnh vô địch của họ ở mọi chiến trường là tính chất nghĩa quân nông dân giản dị, dịu hiền có cách nhìn đời nhân hậu và rõ ràng, sẵn sàng chịu mọi tai hoạ của chiến tranh nhưng không bao giờ là người chủ chiến..”. Những Tâm, những Hoà, những Sơn, những Thịnh..., họ ngã xuống bên nhau lì lợm mà ân tình, gan dạ mà nhạy cảm. Chính họ với cỗ bài trang lên lần cuối trước trận đánh Sài Gòn đã  nhắc nhở anh không được phép quên đi quá khứ tuyệt mù đau đớn nhưng cũng lấp lánh tình người phải không Kiên?
        Có cả một thế hệ đã bị chiến tranh chà nát, mỗi người theo một cách riêng, và cũng theo một cách riêng mỗi người lại từng bước  cố gắng vãn hồi  cuộc đời mình trong hiện tại. Và tôi nghĩ ngược dòng thời gian, trở về quá khứ là cách anh tìm lại ý nghĩa cuộc đời mình trong thông điệp mà anh muốn gửi đến tất cả chúng tôi “ Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới của thảm sầu vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người” đúng chứ Kiên?
      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét