Vì cái đinh tuột nên móng ngựa bị tuột
Vì cái móng tuột nên con ngựa sảy chân
Vì con ngựa sảy chân nên chiến binh sa cơ
Vì chiến binh sa cơ nên thua trận
Vì thua trận nên mất tự do
Tất cả chỉ vì cái đinh ngựa tầm thường.
Và tôi còn có thể cung cấp cho bạn một trong những bằng chứng về nỗi ám ảnh có tên “Hiệu ứng cánh bướm” trong tư duy của nghệ sĩ nữa kia bạn ạ- cuốn tiểu thuyết “ Nửa kia của Hitler” của Eric- Emmanuel Schmitt.
Xuất phát từ mối băn khoăn về việc: Điều gì sẽ xảy ra nếu ngày 8.10.1908 Adonlf Hitler trúng tuyển vào Đại học Mỹ thuật Viên như một dự định ban đầu của ông ta? Tác giả đã tạo ra một hư cấu nghệ thuật kì thú xoay quanh cuộc đời hai nhân vật Adonlf H và Hitler, một đỗ Đại học mỹ thuật Viên và trở thành một hoạ sĩ siêu thực có tiếng và sống cuộc đời một con người với đủ tình dục, tình yêu, buồn đau và hạnh phúc; một trượt Đại học và trở thành một tên Độc tài đồng trinh, một trùm phát xít đã khiên động một cuộc chiến tranh đẫm máu với quy mô toàn nhân loại.
Dõi theo hành trình số phận của cả hai nhân vật người đọc sửng sốt nhận ra rằng nếu trong cái ngày 8.10.1908 ấy các giáo sư khả kính của trường Đại học Mỹ thuật Viên không đánh trượt cậu thí sinh A. Hitler thì rất có thể cuộc Đại chiến thế giới thứ II đã không xảy ra, không có mấy chục triệu người tham chiến ở cả hai phe bị thiệt mạng, không có cuộc thảm sát mấy triệu dân Do Thái, không có sự ra đời của nhà nước Ixraen, nước Mỹ không trở thành một siêu cường.... và chắc bạn cũng hình dung ra vân vân và vân vân các “ hiệu ứng” khác có thể sẽ xảy ra.Ví như chắc chắn nhân loại sẽ không phải đón công dân thứ 7 tỉ vào tháng 10 năm 2011 mà có thể là từ năm “một ngàn chín trăm hồi đó” rồi. Và như thế cái ngày mà cư dân trái đất đầu tiên được đặt chân lên một vì sao nào đó trong cuộc thiên du để tránh hậu quả của bùng nổ quá khích dân số trái đất sẽ sớm hơn đến vài trăm năm. Rồi nữa, thay bằng các món Fast- food của Mỹ tràn ngập trên thị trường thế giới thì nhân loại có thể sẽ say mê thưởng thức rau muống chấm tương và Phở Việt. Ấy là chưa kể đến sự tuyệt diệt của không biết bao nhiêu trường phái hội hoạ, âm nhạc, thi ca.. là con đẻ, con ghẻ, con nuôi của chiến tranh này.
Ấy đấy bạn ạ, với tình huống cuộc đời các nhân vật, Eric- Emmanuel Schmitt rõ ràng đã khẳng định với chúng ta rằng: thế giới rộng lớn bao la với hàng tỉ con người thực ra là một khối liên kết bền vững và phụ thuộc lẫn nhau. Một sự cố nhỏ xảy ra với một vài cá nhân hoàn toàn có thể dẫn đến sự xô lệch của cả một hệ thống lớn. Một tham số đầu vào cực nhỏ có thể cho ra một kết quả đầu ra cực lớn Khi ta gieo một hành động, cất một lời nói có thể là ta đã bắt đầu một chuỗi bất tận những nhân quả mà ta không thể tiên liệu được hệ quả cuối cùng.
Và nữa, có phải không hả bạn, một thông điệp khác mà nhà văn muốn gửi tới chúng ta: Hãy đừng vội phán xét con người bằng những lí do có thể đo đếm vì để tạo hình một con người sẽ có vô khối các nguyên cớ, các nhân tố nhỏ to mà chính họ nhiều khi cũng chẳng thể định liệu. Nghĩ thế ngoài lòng căm phẫn, ta sẽ có thêm sự thương hại cho Hitler vì ta nhận ra rằng ở thời điểm ấy, với một cái xuất thân, một tính cách như vây y không có lựa chọn nào cho số phận ngoài hoạt động chính trị . Với y, hoạt động chính trị là một nghề kiếm sống, cũng giống như Aldonlf H lấy nghệ thuật làm nghề mưu sinh vì đã đỗ Đại học vậy. Đã từng có lần tôi nghe một đồng nghiệp tổng kết về 5, 7 ông vua Trung Quốc có xuất thân là dân thường và anh ta nói “ Nếu không túng quẫn quá thì chắc họ không làm cách mạng!” . Điều này chắc cũng có liên hệ gần xa với đề tài mà chúng ta đang bàn bạc!
Cuối cùng, như chính tác giả đã nói thì “ Hitler không nằm ngoài mỗi người, hắn nằm trong ta. Hắn là một trong những con người mà chúng ta có thể trở thành. Hắn sẽ là chúng ta khi chúng ta để mình bị cuốn theo những suy luận dễ dãi, tối giản hóa sự việc, tìm cách đổ lỗi cho người khác. Hắn sẽ là chúng ta khi chúng ta muốn lúc nào mình cũng có lý, sẽ là chúng ta nếu chúng ta không bao giờ cảm thấy có lỗi. Hắn sẽ là chúng ta nếu như chúng ta tách mình khỏi thực tế và thay vào đó đuổi theo những luận thuyết thần bí. Hắn sẽ là chúng ta nếu chúng ta để những xung lực hận thù chiến thắng lòng vị tha trong ta. Kẻ thù lớn nhất của conngười là chính mình. Con người cần phải cảnh giác với chính con người. Đó chính là cái bẫy cần tránh khỏi. Dù tạo ra cảm giác đang miêu tả cuộc đời một Hitler phẩy, Adolf H., tôi muốn chứng minh rằng tên Hitler thực thụ không phải là một tha nhân tuyệt đối, tách biệt khỏi chúng ta mà hắn chính là ta. Con quái vật này nằm trong tôi cũng như nó nằm trong mỗi người, trong toàn nhân loại. Giam chặt nó suốt đời ta hoặc thả nó ra, chỉ có ta tự chịu trách nhiệm về điều đó.”
Sáng nay, khi lười biếng thả cảm xúc của mình theo những lớp lá xà cừ tháng tư vàng rực đang buông mình rớt xuống nhuộm sắc cho lòng đường , tôi chợt nghĩ biết đâu tin nhắn ấm áp đầu ngày của tôi có thể đã khiến một người bạn gái đi chợ muộn hơn ngày thường. Và hậu quả là chồng cô ấy đã giận vợ, hậm hực bước chân ra khỏi nhà sớm hơn dự định rồi gặp một đồng nghiệp rất xinh anh ấy đã trút bầu tâm sự và thế là... Thôi phần tiếp theo của “hiệu ứng” này tôi xin để phần trí tưởng tượng phong phú của bạn, bạn nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét